Phòng khám nha khoa tâm an
Hotline: 0912 606 258  | 

Điều trị nha chu

Bệnh nha chu là bệnh nhiễm trùng nha chu nghiêm trọng, làm tổn thương các mô và tổ chức xung quanh răng do vệ sinh răng miệng kém. Nếu bệnh nha chu không được điều trị có thể gây tổn thương xương quanh răng khiến răng lung lay hoặc mất răng.

 

Bệnh nha chu là gì?

Bệnh nha chu (tiếng anh là Periodontal disease) là bệnh viêm nhiễm, tác động trực tiếp lên các lớp mô hỗ trợ răng. Khi viêm mô nướu, bên trong sẽ có vi khuẩn xâm nhập và phát triển thành túi nha chu, dẫn đến tụt nướu và chân răng bị lộ ra. Nếu tình trạng nhiễm trùng ngày càng lan rộng và trở nên nghiêm trọng, xương và mô nướu sẽ chịu tổn thương, răng có thể bị lung lay và thậm chí rụng hoàn toàn nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh nha chu khá phổ biến, thường xuất hiện ở người trung niên và người già. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc mất răng ở người lớn. Do bệnh tiến triển một cách lặng lẽ, nên nó thường bị bỏ qua và chỉ được phát hiện khi đã trở nên nghiêm trọng.

Bệnh nha chu là gì?

Bệnh nha chu là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ảnh hưởng đến mô mềm và xương bao quanh răng

Dấu hiệu bị nha chu

Nướu khỏe mạnh sẽ chắc chắn và ôm sát quanh răng. Màu sắc của nướu khỏe mạnh có màu hồng nhạt, mức độ thay đổi về màu sắc tuỳ theo màu da, chủng tộc. Tuy nhiên, nướu khỏe mạnh rất săn chắc và không dễ chảy máu.

Các dấu hiệu bị nha chu gồm:

  • Nướu đỏ hoặc sưng tấy. 
  • Nướu có màu đỏ tươi, đỏ đậm hoặc tím đậm.
  • Nướu cảm thấy đau nhức khi chạm vào.
  • Nướu chảy máu dễ dàng.
  • Bàn chải răng sẽ có màu hồng sau khi sử dụng.
  • Thấy máu khi đánh răng hoặc lúc sử dụng chỉ nha khoa.
  • Hơi thở hôi và có mùi khó chịu không biến mất.
  • Mủ nằm giữa răng và nướu.
  • Răng lung lay.
  • Đau khi nhai.
  • Khoảng trống mới giữa các răng, giống như các hình tam giác màu đen.
  • Nướu bị tụt.
  • Các răng có sự thay đổi về khoảng cách.

Dấu hiệu bị nha chu

Hình ảnh bệnh nha chu

Nguyên nhân bị nha chu

Bệnh nha chu do vi khuẩn tồn tại trong mảng bám răng. Mảng bám răng là hỗn hợp của vi khuẩn, dịch nhầy và các hạt khác, hình thành và tích tụ trên và xung quanh răng. Nếu không được điều trị, mảng bám tiến triển theo thời gian thành bệnh nha chu theo các giai đoạn sau:

  • Tinh bột và đường từ thức ăn kết hợp với vi khuẩn trong miệng tạo thành mảng bám xuất hiện trên bề mặt răng. Đánh răng 2 lần/ngày kết hợp dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám.
  • Mảng bám không được loại bỏ sẽ cứng lại và tạo thành “cao răng”. Không thể loại bỏ cao răng bằng cách đánh răng thông thường mà cần thực hiện cạo vôi răng. Mảng bám và cao răng tồn tại trên răng lâu ngày sẽ gây viêm nướu và các tổn thương khác trên răng.
  • Khi nướu xung quanh chân răng bị viêm rất dễ gây kích ứng và sưng. Viêm nướu có thể điều trị thông qua việc vệ sinh răng miệng tốt tại nhà và đến bác sĩ nha khoa sớm để tránh tình trạng tiêu xương.
  • Nướu bị kích ứng và sưng liên tục sẽ dẫn đến bệnh nha chu. Trong trường hợp này, nướu tụt ra khỏi răng, tạo thành những túi nhỏ dễ bị nhiễm trùng. Những túi này chứa đầy mảng bám, cao răng, vi khuẩn và ngày càng sâu hơn theo thời gian. Nếu không được điều trị xương, nướu và mô nâng đỡ răng sẽ bị phá hủy dẫn đến răng lung lay phải nhổ bỏ.

Nguyên nhân bị nha chu

Bệnh nha chu làm tổn thương mô và xương

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh nha chu

Những yếu tố có khả năng tăng nguy cơ gây bệnh nha chu bao gồm:

  • Hút thuốc lá.
  • Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ như dậy thì, mang thai hoặc mãn kinh.
  • Mắc các bệnh làm giảm sức đề kháng của cơ thể như: bệnh bạch cầu, HIV/AIDS và điều trị ung thư.
  • Tính di truyền.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Các loại thuốc gây khô miệng hoặc thay đổi lượng nước bọt.

Các giai đoạn bệnh nha chu

Bệnh nha chu tiến triển và trở nên rắc rối hơn theo thời gian. Bệnh bao gồm 4 giai đoạn, như sau:

  • Viêm nướu: Giai đoạn sớm nhất của bệnh nướu răng là viêm nướu. Khi viêm, nướu trở nên đỏ và sưng lên, thỉnh thoảng xuất hiện chảy máu khi chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa. Ở giai đoạn này, xương không bị mất. Viêm nướu hoàn toàn có thể hồi phục nếu vệ sinh răng miệng đúng cách và đến nha sĩ thường xuyên để làm sạch cao răng.
  • Bệnh nha chu nhẹ: Nướu tụt ra khỏi răng làm mất bám dính quanh răng, tạo thành những khoảng trống được gọi là “túi” nha chu. Thức ăn, vi khuẩn và mảng bám bắt đầu tích tụ trong túi, dẫn đến nhiễm trùng.
  • Bệnh nha chu vừa phải: Khi bệnh nha chu lan rộng, xương nâng đỡ bị mất nhiều hơn, răng lung lay và nướu bị thoái hóa. Sau đó, vi khuẩn tiếp tục tấn công dây chằng và các mô mềm hỗ trợ răng, làm mềm và gây đau nướu ở giai đoạn này.
  • Bệnh nha chu tiến triển: Đây là giai đoạn cuối của bệnh nha chu và lúc này nhiễm trùng đã phát triển sâu xuống xương ổ quanh chóp chân răng. Điều này dẫn đến một số vấn đề như: nướu chảy mủ, răng lung lay đáng kể, đau dữ dội khi nhai và mất xương nghiêm trọng.

Các giai đoạn bệnh nha chu

Các giai đoạn bệnh nha chu

Phân loại bệnh nha chu

1. Viêm nướu

Viêm nướu là tiền thân của bệnh nha chu, được hình thành do các mảng bám có chứa vi khuẩn, tích tụ trên răng và gây viêm mô nướu xung quanh. Nướu xuất hiện các triệu chứng như: sưng, đỏ và có thể chảy máu. Viêm nướu điều trị tương đối dễ dàng và nếu được kiểm soát đúng lúc, sẽ ngăn được nguy cơ mắc bệnh nha chu nghiêm trọng.

2. Viêm nha chu mạn tính

Viêm nha chu mạn tính là loại bệnh nướu răng phổ biến nhất, thường xảy ra ở người trên 45 tuổi. Tình trạng này thường bắt nguồn từ việc tích tụ mảng bám do vệ sinh răng miệng không đúng cách, khiến cho nướu răng dần bị tổn thương và phá hủy xương quanh răng. Tình trạng này nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mất răng.

3. Viêm nha chu cấp tính

Viêm nha chu cấp là đợt tiến triển bùng phát của viêm nha chu nguyên phát hoặc từ viêm nha chu mãn tính, gây đau, mất xương, mất răng nhanh chóng nếu không được chăm sóc và điều trị.

4. Bệnh nha chu như là biểu hiện của bệnh hệ thống

Viêm nha chu có liên quan đến không dưới 16 bệnh hệ thống. Những bệnh này có liên quan đến bệnh nha chu vì chúng làm giảm khả năng chống nhiễm trùng, sự bất thường trong các mô liên kết ảnh hưởng đến nướu và tăng khả năng phá hủy các mô này, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc phát triển viêm nha chu.

  • Bệnh tiểu đường liên quan trực tiếp đến viêm nha chu. Khi bị tiểu đường, lượng đường trong máu cao hơn trên khắp cơ thể, kể cả trong miệng. Nồng độ glucose cao trong miệng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nướu.
  • Ngoài ra, còn một số bệnh khác như: rối loạn huyết học (giảm bạch cầu trung tính và bệnh bạch cầu), rối loạn di truyền (bệnh Crohn, hội chứng Down, hội chứng Chediak-Higashi và hypophosphatasia).

5. Bệnh nha chu hoại tử

Bệnh nha chu hoại tử là tình trạng dây chằng răng và xương bị tổn thương do mất mô nướu hỗ trợ. Khi không đủ máu cung cấp, dẫn đến hoại tử và nhiễm trùng nghiêm trọng. Các biểu hiện thường gặp là đau dữ dội, chảy máu lợi và hơi thở có mùi hôi. Bệnh thường xuất hiện ở những người có hệ miễn dịch yếu như người mắc HIV/AIDS, đang điều trị ung thư, suy dinh dưỡng. Đây là tình trạng khó điều trị, vì vậy, người bệnh cần tích cực phòng ngừa loại bệnh này.

6. Áp xe nha chu

Bệnh nha chu kéo dài sẽ phá hủy dây chằng răng, gây mất xương răng và hình thành túi nha chu. Khi có mủ trong túi nha chu, sẽ dẫn đến áp xe nha chu. Các dấu hiệu của áp xe nha chu bao gồm đỏ nướu, sưng, chảy mủ và hôi miệng.

7. Viêm nha chu kết hợp với sang thương nội nha

Khi viêm nha chu kết hợp với sang thương nội nha sẽ gây ra tình trạng đau đớn và viêm nhiễm nghiêm trọng. Vi khuẩn nhờ viêm nha chu sẽ xâm nhập sâu hơn vào bên trong răng, dẫn đến viêm tủy răng (viêm tủy ngược dòng) nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả.

8. Những dị dạng và bệnh do phát triển hoặc do mắc phải

Vi khuẩn gây bệnh nha chu có thể xâm nhập vào máu qua mô nướu, ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể. Bệnh nha chu có liên quan đến bệnh hô hấp, viêm khớp dạng thấp, bệnh động mạch vành, sinh non và nhẹ cân cũng như các vấn đề về kiểm soát lượng đường trong máu ở bệnh tiểu đường.

Ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, bệnh nha chu còn làm cho sức khỏe người bệnh yếu dần đi. Những người bị bệnh nha chu có nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và sa sút trí tuệ.

9. Các bệnh và tình trạng quanh implant

Học viện Nha chu Hoa Kỳ (AAP, 2017) phân loại các bệnh nha chu quanh mô cấy ghép gồm có 3 dạng chính: (4)

  • Viêm niêm mạc quanh implant: Xảy ra khi vi khuẩn tích tụ quanh vùng niêm mạc dẫn đến viêm. Nhận biết thông qua các triệu chứng như sưng, đỏ, chảy máu và điều trị bằng cách loại bỏ mảng bám.
  • Viêm quanh implant gây mất xương hỗ trợ, tạo ra các túi nha chu xung quanh implant và gây đau đớn. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm mất răng implant.
  • Thiếu hụt mô mềm và/hoặc mô cứng quanh mô cấy ghép: Khi xương hàm mất đi một phần và/hoặc lợi dày sừng (hay còn gọi là niêm mạc nướu) suy giảm, sẽ ảnh hưởng đến việc cấy ghép implant. Để điều chỉnh, cần phải thực hiện ghép mô cứng (như ghép xương) hoặc mô mềm (như ghép niêm mạc nướu) xung quanh khu vực cấy ghép. Cả hai phương pháp này đều nhằm mục đích cải thiện môi trường xung quanh implant, tăng cường ổn định, hỗ trợ cho quá trình cấy ghép thành công và sức khỏe của implant trong dài hạn.

Bệnh nha chu có nguy hiểm không?

Bệnh nha chu rất nguy hiểm vì các biến chứng gây ra làm phá hủy các cấu trúc nâng đỡ của răng, trong đó có xương hàm. Răng trở nên lung lay, rụng răng hoặc cần nhổ răng cùng với nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Bệnh nha chu có chữa được không?

Bệnh nha chu không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh tạo điều kiện cho việc lan rộng nhiễm trùng đến các vùng khác trên cơ thể, đòi hỏi điều trị kịp thời. Mặc dù bệnh nha chu không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng sẽ được kiểm soát bằng cách vệ sinh răng miệng tốt và làm sạch răng đều đặn theo khuyến nghị của nha sĩ.

Phương pháp điều trị bệnh nha chu

1. Điều trị khẩn cấp

Khi phát hiện ổ mủ (áp-xe) ở vùng nướu hoặc niêm mạc do bệnh nha chu, cần áp dụng điều trị khẩn cấp. Ổ áp-xe làm sưng đỏ và đau niêm mạc. Trong trường hợp này, nha sĩ hoặc bác sĩ nha chu sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh và kháng viêm để giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, điều trị khẩn cấp chỉ mang tính tạm thời vì bệnh nha chu sẽ chuyển sang trạng thái mãn tính và xuất hiện các cơn viêm cấp tính theo chu kỳ.

2.  Điều trị không phẫu thuật

Các phương pháp điều trị không cần phẫu thuật thường hiệu quả với bệnh nha chu nhẹ đến trung bình bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh: nha sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh uống hoặc áp dụng thuốc kháng sinh trực tiếp dưới nướu để chống nhiễm trùng.
  • Cạo vôi và làm sạch gốc răng: quy trình này bao gồm cạo vôi răng và làm sạch gốc răng tương tự như việc làm sạch thông thường. Để làm tê nướu, người bệnh được tiến hành gây tê cục bộ. Bác sĩ loại bỏ vi khuẩn ẩn sâu bên dưới đường viền nướu và làm mịn bề mặt chân răng, ngăn chặn sự hình thành mảng bám và tích tụ của vi khuẩn. Sau 1 tháng từ quá trình cạo vôi, cần tái khám bác sĩ để kiểm tra tình trạng nướu và đánh giá hiệu quả điều trị.

3. Điều trị phẫu thuật

  • Phẫu thuật vạt: Bác sĩ nha chu rạch một đường theo viền nướu, nhấc mô nướu để tiếp cận và làm sạch chân răng. Trong trường hợp bệnh nha chu gây mất xương, bác sĩ sẽ điều chỉnh lại xương trước khi khâu lại mô nướu. Sau khi lành vết thương, việc làm sạch các khu vực xung quanh răng sẽ dễ dàng hơn và duy trì mô nướu khỏe mạnh.
  • Ghép xương: Nếu người bệnh bị mất xương nhiều, nha sĩ hoặc bác sĩ nha chu sẽ đề nghị ghép xương. Bác sĩ đặt vật liệu ghép xương vào các vùng thiếu mô xương (vật liệu là xương của chính người bệnh, xương được hiến tặng hoặc vật liệu tổng hợp). Mảnh ghép đóng vai trò quan trọng như một khung hỗ trợ cho việc phát triển xương mới. Mục đích là để giảm nguy cơ nhiễm trùng và mất răng trong tương lai.
  • Ghép nướu: Bệnh nha chu khiến mô nướu bị kéo ra khỏi răng gây tụt nướu và làm lộ chân răng, khiến chúng trông dài hơn. Để thay thế mô bị mất xung quanh răng, bác sĩ nha chu sẽ đề xuất ghép nướu. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ đặt một mảnh ghép mô xung quanh răng bị ảnh hưởng và khâu nó vào đúng vị trí (lấy mô từ vòm miệng của người bệnh, mua từ ngân hàng mô và xương được cấp phép). Phẫu thuật ghép nướu giúp che lấp chân răng lộ, cải thiện vẻ đẹp của nụ cười và giảm nguy cơ tụt nướu.
  • Tái tạo mô có hướng dẫn: Phương pháp này giúp tái tạo lại xương bị phá hủy. Bác sĩ nha chu sẽ đặt một màng tương thích sinh học đặc biệt giữa xương hiện có và răng. Màng này giữ các mô và kích thích sự phát triển của xương trở lại.
  • Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): PRP (Plasma giàu tiểu cầu) hỗ trợ tái tạo mô xương hoặc nướu khi bị mất. Bác sĩ sẽ sử dụng mẫu máu của bệnh nhân để lấy huyết tương giàu tiểu cầu. Mẫu máu này được xử lý bằng phương pháp ly tâm để phân tách huyết tương ra khỏi các tế bào hồng cầu và bạch cầu. Tiếp theo, huyết tương giàu tiểu cầu được đặt vào những khu vực thiếu hụt với mục đích kích thích quá trình phát triển xương mới.

4. Điều trị duy trì

Sau khi đã được điều trị tích cực và đạt tình trạng ổn định, người bệnh nên thăm khám định kỳ để theo dõi sức khỏe của nướu. Từ đó, giúp phát hiện và ngăn chặn kịp thời nguy cơ tái phát bệnh.

Cách chữa bệnh nha chu tại nhà

Chăm sóc tại nhà đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát mảng bám và giảm nguy cơ mắc bệnh nướu. Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) cho một số lời khuyên như sau:

  • Chải răng trong 2 phút, 2 lần mỗi ngày, bằng bàn chải có lông mềm hoặc điện.
  • Chọn kem đánh răng chứa fluoride để bảo vệ men răng và ngăn ngừa sự hình thành sâu răng.
  • Sau 3 – 4 tháng nên thay đổi bàn chải đánh răng hoặc thường xuyên hơn nếu lông bàn chải bắt đầu xơ hoặc sờn.
  • Chọn bàn chải có lông mềm.
  • Không dùng chung bàn chải đánh răng, vì vi khuẩn sẽ lan truyền.
  • Dùng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ răng và nước súc miệng chứa chất sát khuẩn.
  • Hãy bỏ thuốc lá.
  • Hạn chế uống rượu.
  • Ăn nhiều trái cây và rau.
  • Đến nha khoa kiểm tra răng miệng ít nhất 1 lần/năm.
  • Uống từ 1,5 – 2 lít nước/ngày.
  • Kiểm soát cẩn thận mức đường huyết theo hướng dẫn từ bác sĩ.

Cách chữa bệnh nha chu tại nhà

Bệnh nha chu cần được điều trị sớm nhất có thể

Cách phòng bệnh nha chu

Để ngừa bệnh nha chu, việc tạo thói quen chăm sóc răng miệng rất quan trọng. Bắt đầu chăm sóc răng miệng từ khi còn nhỏ và duy trì thói quen này suốt cuộc đời là cách hiệu quả nhất.

  • Chăm sóc răng miệng tốt: Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày trong 2 phút, vào buổi sáng và trước khi đi ngủ. Ngoài ra, sử dụng chỉ nha khoa ít nhất 1 lần mỗi ngày trước khi chải răng để loại bỏ thức ăn và vi khuẩn còn sót lại.
  • Thăm khám nha khoa định kỳ: Gặp nha sĩ định kỳ để làm sạch răng từ 6 – 12 tháng 1 lần. Người bệnh có nguy cơ cao mắc bệnh nha chu như bị khô miệng, sử dụng thuốc hoặc hút thuốc,… cần vệ sinh nha khoa thường xuyên hơn.

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN MIỄN PHÍ

Cơ sở duy nhất: 233B Trần Nhật Duật - P.Vị Xuyên - TP Nam Định