Mòn răng – triệu chứng và giải pháp
Ngày nay, tình trạng răng bị mòn ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, khi xác định được nguyên nhân, tình trạng này có thể được ngăn ngừa và điều trị.
Mòn răng có nhiều nguyên nhân, thường là do quá trình lão hóa tự nhiên. Khi mòn đi, răng trở nên nhỏ hơn và có màu sẫm hơn. Mòn răng gây ảnh hưởng đến nhiều yếu tố như thẩm mỹ, khớp cắn và góp phần gây ra rối loạn khớp thái dương hàm (TMD), có thể dẫn đến các triệu chứng đau đầu, đau tai, đau cổ hoặc đau lưng.
4 DẠNG MÒN RĂNG CHÍNH
1. Mòn răng – răng (Attrition): sự mất mô răng hoặc phục hình là kết quả của hoạt động nhai hoặc do tiếp xúc giữa các răng đối đầu. Đây thường là hậu quả của việc nghiến răng và quá trình lão hoá của răng
2. Mòn hoá học (Erosion): là sự mất mô răng do các quá trình hóa học không liên quan đến hoạt động của vi khuẩn mà liên quan đến các bệnh lý về đường tiêu hoá, trào ngược dạ dày, ở những người làm các công việc tiếp xúc hoá chất, phân bón, ăn, uống nhiều đồ ăn có vị chua, nước có gas…
3. Mài mòn (Abrasion): là hiện tượng mòn răng vật lý do các tác nhân khác không phải do sự tiếp xúc giữa các răng, thường gặp ở người có thói quen xấu như cắn tăm, cắn bút hay cắn các đồ vật khác.
4. Tiêu cổ răng (Abfraction): mòn răng tại vị trí cổ răng do chịu lực uốn vặn trong quá trình hoạt động chức năng và cận chức năng. Đây là hậu quả của việc rối loạn hệ thống khớp cắn
TRIỆU CHỨNG CỦA MÒN RĂNG
- Răng trở nên nhạy cảm: hay bị ê buốt khi ăn đồ quá nóng (lẩu, nước nóng…) hoặc quá lạnh (kem, đá…), đồ ngọt (kẹo bánh…). Nặng hơn có thể bị đau nhức răng, khó chịu, ù tai, đau lan lên đỉnh đầu…
- Xung quanh răng hay ở các thành, cạnh răng có vết nứt hoặc có sứt mẻ bất thường.
- Bề mặt răng không còn sáng bóng, bằng phẳng, trơn nhẵn.
- Men răng trở nên vàng và mỏng dần đi.
- Dễ sâu răng
CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
Điều trị mòn răng phụ thuộc vào nguyên nhân gây mòn, mức độ nặng nhẹ, sự lan rộng của tổn thương, tuổi và sự hợp tác của người bệnh và tính nhạy cảm của răng. Một số phương pháp hay áp dụng là:
- Trung hòa tác động của axít và tăng sức đề kháng của răng đối với sự tấn công của axít bằng cách sử dụng các chất súc miệng có tính kiềm hoặc trung tính. Ngoài ra, uống sữa hoặc nhai kẹo cao su loại không đường sau mỗi bữa ăn là việc làm có lợi để tránh mòn răng.
- Bôi véc-ni fluoride tại chỗ để giảm tình trạng nhạy cảm của răng và tạo điều kiện cho quá trình tái khoáng hóa men răng.
- Đeo máng nhai vào những thời điểm có nguy cơ cao trào ngược dịch vị để giảm tổn thương răng. Có thể cho thêm vào máng nhai các chất kiềm hóa, trung hòa axít như magnesium hydroxide hoặc sodium bicarbonat, gel fluoride…
- Điều trị phục hồi hình dạng chức năng của răng như: dán composite, dán nhựa, kim loại hoặc sứ…
- Điều trị các răng bị bệnh nha chu, viêm tủy, phục hồi làm dài thân răng, hoặc nắn chỉnh răng do mòn quá mức.
- Thăm khám định kỳ